Suy nghĩ về mối quan hệ giữa nói và làm trong cuộc sống
Suy nghĩ về mối quan hệ giữa nói và làm trong cuộc sống
Hướng dẫn
- Mở bài:
Nói (trình bày) và làm (hành động) là hai hoạt động chủ đạo trong đời sống của xã hội loài người. Giữa nói và làm có mối quan hệ chặt chẽ, quyết định thành công của mỗi con người.
- Thân bài:
Nói là gì?
Nói là trình bày ý nguyện, tư tưởng, ước vọng, hoài bão. Biểu đạt trong giao tiếp của nói là lời nói.
Làm là gì?
Làm là thực hiện những điều ấy bằng hành động cụ thể nhằm mang lại một kết quả mong muốn nào đó.
Vì sao lời nói phải đi đôi với việc làm?
Quan hệ giữa nói và làm. Nói và làm có mối quan hệ mật thiết giữa lí thuyết và thực hành, phản ánh năng lực nhận thức và khả năng làm việc của con người. Nói định hướng cho việc làm; làm là hiện thực lời nói hướng đến kết quả. Nói và làm là sự phản ánh của lí luận và hành động, là hai quá trình căn bản của một hoạt động có mục đích. Một công việc được tiến hành luôn tuân thủ chặt chẽ hai giai đoạn này. Nói là khâu hình thành dự định, đánh giá dự định, vạch kế hoạch và trình bày kế hoạch để đi đến sự thống nhất chung trong tập thể. Làm là hiện thực kế hoạch ấy thông qua những hoạt động tương tác có mục đích nhằm tạo ra một hiệu quả nhất định.
Trong tập thể, không thể chỉ có nói mà không làm. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng và cũng là nguyên tắc làm người. Nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. “Nói thì phải làm” là thể hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, nhận thức và việc làm. Lời nói được minh chứng bằng việc làm và khẳng định bằng kết quả trong công việc. Kết quả công việc là thước đo sự cống hiến của mỗi người.
Nói đi đôi với làm không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.
Trong tập thể, cũng không thể chỉ làm mà không nói. Lời nói giúp ta trình bày rõ ràng dự định, kế hoạch, ý chí và nguyện vọng trong công việc cụ thể nhằm thống nhất tư tưởng, ý chí và nguyện vọng của tập thể, kết hợp các nguồn sức mạnh để tiến hành công việc thuận lợi, đạt được kết quả tốt nhất. Lời nói đúng đắn giúp tập thể thấu hiểu, đồng tình, ủng hộ và hỗ trợ công việc cùng nhau đạt đến mục tiêu.
Mối quan hệ giữa nói và làm sẽ là thước đo đánh giá phẩm chất đạo đức và tài năng của con người trong cuộc sống xã hội. Một người có phẩm chất đạo đức trong sáng, cao đẹp; có tài năng luôn biết quý trọng lời nói và kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm. Họ không bao giờ lý thuyết suông hay hành động mà không có chủ đích. Bằng lời nói đúng đắn và hành động cụ thể, họ tạo được niềm tin tưởng, cảm phục và kính trọng ở người khác trong công việc và trong lối sống hằng ngày.
Thực hiện nói đi đôi với làm là phát huy truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc. Kế thừa và phát huy phẩm chất cao đẹp của cha ông là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với đất nước.
Phải làm gì để kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm?
Để kết hợp giữa nói và làm; giữ lí luận và hành động thực tiễn, trước hết phải ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong công việc và trước tập thể. Mỗi cá nhân sẽ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Khi nói phải gắn với những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không nói chung chung, đại khái dẫn đến nói chung, ai nói cũng được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công việc.
Không được hứa mà không làm. Đó là biểu hiện của bệnh quan liêu, giả dối. Lời hứa sẽ tạo ra sự kì vọng ở người khác. Họ mong mỏi lời hứa sẽ được thực hiện và chờ đợi điều đó xảy ra. Nếu hứa mà không làm nghĩa là ta đã phản bội lòng tin tưởng, xem thường mối quan hệ và thiếu trách nhiệm đối với bản thân và tập thể.
Nâng cao tri thức, bồi dưỡng nhân cách, tư tưởng tốt đẹp, xây dựng lối sống trong sạch, vững mạnh là điều kiện giúp ta thực hiện hiệu quả giữa nói và làm. Có tri thức chúng ta mới vững tin vào bản thân và đủ năng lực để biến lời nói thành hành động. Có phẩm chất và tư cách tốt đẹp giúp ta biết tôn trọng bản thân và người khác, sẵn sàng vượt qua khó hăn trong công việc để đạt đến thành công. Có lối sống lành mạnh giúp ta biết quý trọng lời nói, lời hứa, không hứa suông, hướng đến cộng đồng.
Người lớn phải là tấm gương sáng về bài học nói và làm. Để giáo dục giới trẻ, những người lớn tuổi phải nói được làm được, biết giữ lời hứa, làm việc có kế hoạch và hoạch định rõ ràng, hướng đến kết quả cụ thể để làm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Hiểu sâu sắc mối quan hệ giữa nói và làm, phải nói thật và làm đúng; phải cần thận trọng khi nói và quyết tâm khi làm. Kiên quyết phê phán những kẻ chỉ biết nói mà không làm hoặc nói một đằng làm một nẻo.
Phê phán:
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chỉ biết nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói đằng làm một nẻo. Họ dùng lời nói biện minh cho những việc làm xấu xa, hoặc xúi giục người khác làm điều sai trái, làm cho chân lí bị che khuất, sự thật bị xuyên tạc, cái ác được dung túng, khó phân biệt sai trái, tốt xấu… Đó là hành vi của người giả dối, ba hoa, xu nịnh và vụ lợi. Họ luôn gây mất niềm tin và thất vọng đối với mọi người, không đem lại lợi ích cho xã hội, thậm chí còn là nguyên nhân gây nên những mâu thuẫn trong cộng đồng.
Cũng là những người biết làm việc máy móc, chỉ làm mà không nói. Họ hoặc là quá tin tưởng vào năng lực bản thân hoặc là ngu dốt, kiêu ngạo, xem thường ý kiến tập thể. Trong công việc, họ không vạch trước kế hoạch, không dự kiến trước những tình huống xảy ra, không tham luận tập thể để có cách đối phó hợp lí. Họ hành động chủ quan, mù quáng theo cảm tính. Cách làm như thế thiếu khoa học, nhiều may rủi, sẽ không có kết quả cao, thậm chí là gây nguy hiểm cho xã hội.
- Kết bài:
Một người sẽ được tập thể tôn trọng, yêu mến và tin tưởng nếu kết hợp chặt chẽ giữa lời nói và hành động. Đừng bao giờ lạm dụng lời nói để nhận lấy niềm tin, ảo tưởng của người khác. Đừng bao giờ nói nhiều hơn những gì bạn có thể làm được. Hãy biết tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, lấy hiệu quả công việc, lợi ích tập thể làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Đó cũng chính là nguyên tắc căn bản, là phẩm chất của người thành công mà chúng ta thường bắt gặp trong cuộc sống.
Nguồn: Vietvanhoctro.com