Trình bày cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng
Trình bày cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng
Hướng dẫn
Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài đã thể hiện trọn vẹn bi kịch của người nghệ sĩ Vũ Như Tô. Anh chị hãy trình bày cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng.
I. Dàn ý chi tiết cho đề cảm nhận về bi kịch Vũ Như Tô
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề: Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài đã tập trung thể hiện được những bi kịch của Vũ Như Tô, người nghệ sĩ hết lòng với sáng tạo nghệ thuật nhưng lại mù quáng, xa rời thực tế.
2. Thân bài
– Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ tài năng, có hoài bão lớn nhưng trong thực tế lại không giải quyết được những mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và đời sống.
+ Vũ Như Tô khát khao xây dựng được công trình nguy nga tráng lệ, có thể tranh tinh xảo với hóa công, sánh ngang với nhật nguyệt.
+ Trong thực tế, việc xây dựng Cửu Trùng Đài lại được thực hiện bởi tiền bạc, mồ hôi xương máu của hàng nghìn người dân vô tội.
–> Cái sai của Vũ Như Tô là đã lợi dụng tiền bạc và quyền lực của bạo chúa để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình. Vũ Như Tô đứng trên lập trường của người nghệ sĩ mà vô tình trở thành kẻ đối nghịch, đối tượng căm ghét của nhân dân.
=> đám quân khởi loạn đã giết chết Lê Tương Dực, bắt Vũ Như Tô và đốt cháy Cửu Trùng Đài. Kết cục bi thảm nhưng lại là bi kịch tất yếu khi nghệ thuật đi ngược lại với những lợi ích thiết thực của nhân dân.
– Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài đã thể hiện nỗi đồng cảm đối với người nghệ sĩ thiên tài, có tâm huyết, đam mê.
– Thông qua bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả Nguyễn Huy Tưởng cũng đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời:
+ Không có cái đẹp tách rời cái chân, cái thiện. Tác phẩm nghệ thuật không chỉ cần mang cái đẹp cao cả, thuần túy mà còn phải phục vụ cho những lợi ích thiết thực của nhân dân.
+ Người nghệ sĩ đích thực phải có hoài bão, tâm huyết, khát khao sáng tạo nhưng cũng phải khéo léo trong việc xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa khát vọng nghệ thuật của bản thân với điều kiện thực tế của cuộc sống
3. Kết bài
Thông qua bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã đặt ra mối trăn trở về quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ với những lợi ích thiết thực của nhân dân.
Bài liên quan đến đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài:
>>Hướng dẫn soạn văn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của tác giả Nguyễn Huy Tưởng
>>Phân tích vở kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của tác giả Nguyễn Huy Tưởng
>>Phân tích những mâu thuẫn đối kháng trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
>>Phân tích nhân vật Vũ Như Tô để thấy được bi kịch của người nghệ sĩ trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
II. Bài tham khảo cho đề cảm nhận về bi kịch của Vũ Như Tô
Vũ Như Tô là vở kịch đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được sáng tác dựa trên một sự kiện lịch sử có thật diễn ra ở kinh thành Thăng Long thời Hậu Lê. Thông qua sự kiện lịch sử này, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện được những quan điểm sâu sắc về nghệ thuật và cuộc đời, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và người nghệ sĩ. Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài đã tập trung thể hiện được những bi kịch của Vũ Như Tô, người nghệ sĩ hết lòng với sáng tạo nghệ thuật nhưng lại mù quáng, xa rời thực tế.
Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ tài năng, có hoài bão lớn nhưng trong thực tế lại không giải quyết được những mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và đời sống, chưa nhận thức đúng đắn được mục đích của việc sáng tạo nghệ thuật, vì cho đến cuối cùng, Cửu Trùng Đài, tâm huyết cả đời Vũ Như Tô cũng chỉ có ý nghĩa đối với khát khao sáng tạo nghệ thuật của Vũ Như Tô, còn đối với những người nhân dân nghèo khổ ngoài kia thì Cửu Trùng Đài lại là hiện thân của những bất công, đau khổ, nguồn cơn của mọi lầm than, đói khổ.
Vũ Như Tô khát khao xây dựng được công trình nguy nga tráng lệ, có thể tranh tinh xảo với hóa công, sánh ngang với nhật nguyệt. Đó là công trình kiến trúc vĩ đại có thể tô điểm cho non sông. Trước hết, mục đích sáng tạo của Vũ Như Tô hoàn toàn chính đáng, nó xuất phát từ tài năng, tấm lòng, tinh thần yêu nước của người nghệ sĩ, đó là mục đích cao đẹp, đáng được trân trọng. Trong thực tế, việc xây dựng Cửu Trùng Đài lại được thực hiện bởi tiền bạc, mồ hôi xương máu của hàng nghìn người dân vô tội. Hơn nữa, mục đích xây dựng Cửu Trùng Đài lại là làm nơi ăn chơi cho vua chúa.
Cái sai của Vũ Như Tô là đã lợi dụng tiền bạc và quyền lực của bạo chúa để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình, khi bắt tay xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô hoàn toàn đắm chìm trong đam mê sáng tạo mà quên đi thực tại đời sống đói khổ, lầm than của nhân dân. Vũ Như Tô đứng trên lập trường của người nghệ sĩ mà vô tình trở thành kẻ đối nghịch, đối tượng căm ghét của nhân dân.
Vì xây dựng Cửu Trùng Đài mà bao nhiêu người đã ngã xuống, bao gia đình tan nát, con mất cha, vợ mất chồng, oán thán chất chồng nhưng Vũ Như Tô lại không hề nhận biết mà vẫn chìm đắm trong khát khao riêng của bản thân. Khi biến loạn xảy ra, không chỉ bạo chúa – người trực tiếp gây ra những đau khổ trong cuộc sống của người dân mà Cửu Trùng Đài và Vũ Như Tô cũng trở thành hiện thân của những đau khổ, nguồn cơn cho những đau khổ cũng trở thành đối tượng của lòng căm thù. Cuối cùng, đám quân khởi loạn đã giết chết Lê Tương Dực, bắt Vũ Như Tô và đốt cháy Cửu Trùng Đài. Kết cục bi thảm nhưng lại là bi kịch tất yếu khi nghệ thuật đi ngược lại với những lợi ích thiết thực của nhân dân.
Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài đã thể hiện nỗi đồng cảm đối với người nghệ sĩ thiên tài, có tâm huyết, đam mê, người sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả tính mạng của bản thân nhưng lại vì xa rời thực tế mà phải trả giá bằng chính mạng sống và công trình nghệ thuật – tâm huyết cả đời của người nghệ sĩ ấy. Thông qua bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả Nguyễn Huy Tưởng cũng đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Theo đó, không có cái đẹp tách rời cái chân, cái thiện. Tác phẩm nghệ thuật không chỉ cần mang cái đẹp cao cả, thuần túy mà còn phải phục vụ cho những lợi ích thiết thực của nhân dân.
Người nghệ sĩ đích thực phải có hoài bão, tâm huyết, khát khao sáng tạo nhưng cũng phải khéo léo trong việc xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa khát vọng nghệ thuật của bản thân với điều kiện thực tế của cuộc sống, với những nhu cầu và đòi hỏi thiết thực của nhân dân. Vũ Như Tô vì xa rời thực tế, ảo tượng trong thế giới sáng tạo của bản thân mà rơi vào bi kịch lớn nhất của đời mình, đến cuối cùng mọi thứ đều bị hủy diệt trong sự xót xa, đau đớn khôn xiết.
Như vậy, thông qua bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã đặt ra mối trăn trở về quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ với những lợi ích thiết thực của nhân dân.
Theo Nhungbaivanhay.vn