Trình bày cảm nhận về bài thơ Tiếng gà trưa của tác giả Xuân Quỳnh
Trình bày cảm nhận về bài thơ Tiếng gà trưa của tác giả Xuân Quỳnh
Hướng dẫn
Tiếng gà trưa là tiếng gọi tuổi thơ đầy tha thiết với những kỉ niệm tuổi thơ thân thương bên bà. Em hãy trình bày cảm nhận về bài thơ Tiếng gà trưa của tác giả Xuân Quỳnh để thấy được những tình cảm thiêng liêng này.
I. Dàn ý chi tiết cho đề cảm nhận về bài thơ Tiếng gà trưa
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả và tác phẩm: Xuân Quỳnh là một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ năm chữ, mang hồn thơ nồng nàn, đằm thắm và dạt dào tình thương yêu. Bài thơ “Tiếng gà trưa” được viết vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là một âm thanh như tiếng gọi của quê hương
2. Thân bài
- Tâm trạng của người chiến sĩ trẻ trên đường hành quân xa: Tiếng gà nhảy ổ là một âm thanh bình dị, thân thuộc của thôn quê ta từ bao đời nay. Tiếng gà ban trưa đã làm xao động cả lòng người, đối với người lính đó như là một sức mạnh mới, vững bước trên đường hành quân
- kỉ niệm sâu sắc một thời thơ bé: Từ “Này” được điệp lại hai lần thể hiện hành động bà cháu đang chỉ tay đang đếm những con gà mái tìm mồi trong sân nhà
- Kỉ niệm về người bà: Cháu quên sao được tiếng mắng của bà vì tội nhìn gà đẻ, cháu sợ bị lang mặt. Cháu nhớ mãi hình ảnh “Tay bà khum soi trứng”, bà tần tảo chắt chiu từng quả trứng cho con gà mái ấp
- Những giấc mơ tuổi thơ của người lính trẻ: Tiếng gà trưa tuy bình dị nhưng lại vô cùng thiêng liêng, nhắc nhở và lay gọi bao tình cảm đẹp đẽ dâng lên trong lòng người chiến sĩ đang trên đường hành quân ra trận thời kì kháng chiến chống Mỹ
3. Kết bài
Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã là một cách mới mẻ, hình tượng thơ mới mẻ khi nói về kỉ niệm tuổi thơ, về tình bà cháu chan hòa trong tình yêu quê hương, đất nước.
Bài viết liên quan đến bài thơ Tiếng gà trưa:
>>Cảm nghĩ tình bà cháu được thể hiện trong bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
>>Trình bày cảm nhận của em về khổ thơ đầu của bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
>>Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh – Văn mẫu lớp 7 tuyển chọn
>>Bình giảng bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
>>Giới thiệu về bài thơ Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh
>>Cảm nghĩ về khổ thơ cuối của bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh
II. Bài tham khảo cho đề cảm nhận về bài thơ Tiếng gà trưa
Xuân Quỳnh là một nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ năm chữ, mang hồn thơ nồng nàn, đằm thắm và dạt dào tình thương yêu. Bài thơ “Tiếng gà trưa” được viết vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là một âm thanh như tiếng gọi của quê hương, mái nhà thân thương trong tâm hồn người lính ra trận. Bài thơ “Tiếng gà trưa” đã gợi lại những cảm xúc man mác, bâng khuâng những năm tháng tuổi thơ.
Mở đầu bài thơ là tâm trạng của người chiến sĩ trẻ trên đường hành quân xa, tiếng gà nhà ai nhảy ổ cất lên nơi xóm nhỏ:
“Cục…cục tác cục ta…
Nghe gọi về tuổi thơ”
Tiếng gà nhảy ổ là một âm thanh bình dị, thân thuộc của thôn quê ta từ bao đời nay. Tiếng gà ban trưa đã làm xao động cả lòng người, đối với người lính đó như là một sức mạnh mới, vững bước trên đường hành quân. Ở đoạn thơ thứ hai câu thơ “Tiếng gà trưa” được lặp lại tới ba lần, gợi nhớ bao kỉ niệm sâu sắc một thời thơ bé, khi người lính nghe thấy bỗng sống lại và nhớ lại màu hồng của trứng gà trên ổ rơm, đàn gà mà bà chắt chiu:
“Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng…
Lông óng như màu nắng”
Trong đoạn thơ, hình ảnh đàn gà rất sống động và rực rỡ sắc màu. Nhờ có nghệ thuật phối màu tài tình của Xuân Quỳnh nhờ có một gam màu sáng tươi mát dịu của bức tranh gà. Có màu hồng của trứng gà trong ổ rơm, có màu đốm trắng của con gà mái hoa mơ, con gà mái vàng lông óng như màu nắng. Từ “Này” được điệp lại hai lần thể hiện hành động bà cháu đang chỉ tay đang đếm những con gà mái tìm mồi trong sân nhà. Tất cả đã gợi lại những kỉ niệm bồi hồi về người bà:
“Khi gió mùa đông tới…
Cháu được quần áo mới”
Cháu quên sao được tiếng mắng của bà vì tội nhìn gà đẻ, cháu sợ bị lang mặt. Cháu nhớ mãi hình ảnh “Tay bà khum soi trứng”, bà tần tảo chắt chiu từng quả trứng cho con gà mái ấp. Tình thương của bà bao la, những nỗi lo và niềm mong ước bình dị của bà. Cháu sẽ không bao giờ quên được cái quần chéo go, cái áo chúc bâu ngày xưa bà mua cho sau mỗi lần bá gà. Tình thương của bà đã mang lại bao nhiêu hạnh phúc tuổi thơ. Ở đoạn thơ thứ ba, người chiến sĩ đã từ tiếng gà trưa mà liên tưởng đến những giấc mơ tuổi thơ của người lính trẻ:
“Đêm cháu về nằm mơ…
Vì lòng yêu Tổ quốc”
Tiếng gà trưa tuy bình dị nhưng lại vô cùng thiêng liêng, nhắc nhở và lay gọi bao tình cảm đẹp đẽ dâng lên trong lòng người chiến sĩ đang trên đường hành quân ra trận thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã là một cách mới mẻ, hình tượng thơ mới mẻ khi nói về kỉ niệm tuổi thơ, về tình bà cháu chan hòa trong tình yêu quê hương, đất nước. Đây là một bài thơ hay, tha thiết và ngọt ngào, là một tiếng vọng của quê hương, là tình hậu phương của người lính trên đường hành quân trong kháng chiến chống Mỹ.
Theo Nhungbaivanhay.vn