Bình giảng bài thơ về tiểu đội xe không kính của tác giả Phạm Tiến Duật


Bình giảng bài thơ về tiểu đội xe không kính của tác giả Phạm Tiến Duật

Hướng dẫn

Phạm Tiến Duật là nhà thơ trưởng thành từ khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông viết về chiến tranh bằng chính những trải nghiệm của người chiến sĩ nên mang tính chân thực cao, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Phạm Tiến Duật khi viết về hình tượng người lính lái xe. Anh chị hãy bình giảng Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

I. Dàn ý chi tiết cho đề bình giảng Bài thơ về tiểu đội xe không kính

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật cùng “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”:

– Phạm Tiến Duật là một trong những cây bút trẻ của thế hệ trẻ những năm kháng chiến chống Mĩ với giọng thơ thật khỏe khoắn, tự nhiên và tràn đầy sức sống, tươi vui mà giàu suy tưởng.

– Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, hình ảnh những chiếc xe không kính trong mưa bom bão đạn đã làm nổi bật trái tim cầm lái với tinh thần ung dung lạc quan cũng như lí tưởng và niềm tin vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Thân bài

Trong bài thơ, hình ảnh những chiếc xe hiện lên vô cùng độc đáo: “không có kính” nhưng vẫn hiên ngang vượt qua chặng đường nguy hiểm:

+ Ngôn ngữ mộc mạc, nhịp điệu khoan thai.

+ Hình ảnh những chiếc xe đã làm nổi bật hiện thực tàn khốc của chiến tranh.

– Hình ảnh người lính lái xe được khắc họa với những nét đẹp về phẩm chất và tinh thần:

+ Trong khó khăn, các anh vẫn ung dung, hiên ngang, bình tĩnh nêu cao tinh thần trách nhiệm: “Ung dung buồng lái”

+ Bom đạn vẫn rơi, nhưng trên những chiếc xe không kính vẫn vang lên tiếng cười tươi vui, lạc quan yêu đời: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.

Xem thêm:  Thuyết minh về đồ dùng trong gia đình, bài văn thuyết minh về cái phích (bình thủy) và cái bàn lớp 9

+ Hình ảnh những người chiến sĩ còn hiện lên với tình cảm đồng đội gắn bó trong những cuộc gặp gỡ, vui vầy trong không khí đoàn kết.

+ Những trái tim cầm lái của những con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm, niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc.

3. Kết bài

Khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ: Thông qua hình ảnh những chiếc xe không kính vô cùng độc đáo, tác giả đã đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực đầy tàn khốc của cuộc sống nơi chiến trường, cùng với ngôn ngữ, giọng điệu giàu tính khẩu ngữ tự nhiên, khỏe khoắn.

Bài liên quan bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính:

>>Hướng dẫn soạn văn Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

>>Giới thiệu về bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

>>Giới thiệu về Phạm Tiến Duật – Tác giả của bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

>>Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

>>Trình bày cảm nhận về bốn khổ thơ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

II. Bài tham khảo cho đề bình giảng Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phạm Tiến Duật là một trong những cây bút trẻ của thế hệ trẻ những năm kháng chiến chống Mĩ với giọng thơ thật khỏe khoắn, tự nhiên và tràn đầy sức sống, tươi vui mà giàu suy tưởng. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện rõ hồn thơ Phạm Tiến Duật. Trong bài thơ này, hình ảnh những chiếc xe không kính trong mưa bom bão đạn đã làm nổi bật trái tim cầm lái với tinh thần ung dung lạc quan cũng như lí tưởng và niềm tin vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong bài thơ, hình ảnh những chiếc xe hiện lên vô cùng độc đáo: “không có kính” nhưng vẫn hiên ngang vượt qua chặng đường nguy hiểm mà quân thù đã và đang đánh phá ác liệt:

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

Hình ảnh những chiếc xe không kính đã hiện lên rõ nét qua ngôn ngữ mộc mạc, nhịp điệu khoan thai. Hiện thực tàn khốc của chiến tranh đã được khắc họa thông qua những chiếc xe đó. Trên những chuyến xe, người chiến sĩ vẫn cầm chắc tay lái ra mặt trận:

“Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

Hai câu thơ có nhịp điệu cân đối 2/2/2 và 2/2/2, vừa diễn tả sự căng thẳng của những chiếc xe đang lăn bánh, vừa thể hiện sự thanh thản, bình tĩnh, tự tin của người lái. Hiện thực chiến tranh tàn khốc đã được nhìn nhận qua lăng kính và tâm hồn tương vui, hóm hỉnh của những người lính lái xe. Nào là “Gió vào xoa mắt đắng”, nào là “con đường chạy thẳng vào tim”, rồi “sao trời”, rồi “cánh chim” đột ngột, như ùa vào buồng lái. Trong khó khăn, các anh vẫn ung dung, hiên ngang, bình tĩnh nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ngay cả những khó khăn như “bụi phun tóc trắng” và “mưa tuôn, mưa xối”, các anh càng bình tĩnh, dũng cảm hơn “Không có kính, ừ thì có bụi… Không có kính, ừ thì ướt áo”. Với lớp ngôn từ giản dị và mang đậm tính khẩu ngữ, những câu thơ như những lời nói thường nôm na mà cứng cỏi, toát ra một thái độ bất chấp mọi khó khăn.

Bom đạn vẫn rơi, nhưng trên những chiếc xe không kính vẫn vang lên tiếng cười tươi vui, lạc quan yêu đời:

“Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”

Khúc nhạc vui tươi sôi nổi của tuổi mười tám đôi mươi hiện lên qua những hình ảnh hóm hỉnh, tạo nên âm điệu rộn ràng, luôn luôn hối hả của đoàn xe đang trên đường đi tới.

Xem thêm:  Soạn bài : Luyện nói : Văn biểu cảm về sự vật và con người

Trong bài thơ, hình ảnh những người chiến sĩ còn hiện lên với tình cảm đồng đội gắn bó trong những cuộc gặp gỡ, vui vầy trong không khí đoàn kết:

“Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội (…)

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”

Trong khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến cứu nước trường kì, những người lính vẫn giữ vững tình cảm keo sơn gắn bó. Họ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, trải qua mưa bom bão đạn, để rồi luôn kiên định với lí tưởng giải phóng dân tộc:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Bức chân dung của những người chiến sĩ vận tải Trường Sơn trong những năm chống Mĩ cứu nước đã được hoàn thiện hơn nữa thông qua hình ảnh “trái tim”. Tác giả đã sử dụng biện pháp hoán dụ để làm nổi bật những trái tim cầm lái của những con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm, niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc.

Như vậy, thông qua hình ảnh những chiếc xe không kính vô cùng độc đáo, tác giả đã đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực đầy tàn khốc của cuộc sống nơi chiến trường, cùng với ngôn ngữ, giọng điệu giàu tính khẩu ngữ tự nhiên, khỏe khoắn. Nổi bật hơn cả là hình ảnh người chiến sĩ lái xe với tinh thần hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, trong chiến đấu gian lao vẫn giữ vững tinh thần lạc quan và lí tưởng giải phóng dân tộc, tạo nên bức tranh sôi động của tuổi trẻ trong những năm kháng chiến:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi kháng chiến

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

(Tố Hữu)

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan