Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài thơ Nói với con của Y Phương
Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con trong bài thơ Nói với con của Y Phương
Hướng dẫn
Đề bài: Trình bày cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con được thể hiện trong bài thơ Nói với con của Y Phương.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm: “Nói với con” của Y Phương. Tác phẩm là lời dạy dỗ, là tình cảm mà cha gửi gắm tới người con, một thứ tình cảm thiêng liêng và nồng ấm.
2. Thân bài
-Lời dạy về công ơn sinh dưỡng
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
-Hình ảnh về những bước đi đầu đời của mỗi người
-Tình cảm mà cha mẹ dành cho con cái, là sự vui sướng khi thấy con trưởng thành từng ngày
-Hình ảnh ấm áp, nhẹ nhàng, đong đầy yêu thương trong từng câu chữ, tình cảm tạo nên nét đẹp câu thơ.
-Từ tình cảm gia đình vươn xa hơn là tình yêu quê hương, đất nước
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.
-“Người đồng mình”, là những con người chung vách, tắt lửa tối đèn có nhau, những con người chân chất, thật thà, cần cù lao động.
-Cuộc sống lao động gắn kết con người, công việc “Đan lờ” hay những mái nhà nhỏ bé được xây dựng nên một phần từ những câu hát, con đường quen thuộc
-Vẻ đẹp mộc mạc, giản dị như thế những là tuổi thơ sau này của con, là những thứ sẽ cùng con lớn lên, để rồi khi nhớ lại con sẽ biết nhớ nhung, trân trọng,
-Kỉ niệm về ngày cưới, ngày mà đẹp nhất đối với cha, mẹ
-Lời dạy về khó khăn và điểm tựa cho con vượt qua
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
-Người cha mong con chân chất, thật thà, thẳng thắn, biết cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc đời của chính con
-Cha mẹ là chỗ dựa, là động lực, là niềm tin cho con vượt qua khó khăn
-Lời dạy xuất phát từ trái tim chính người cha
3. Kết bài
Cảm nghĩ về bài thơ: Qua tác phẩm cho người đọc thấy được bản thân mình trong chính nhân vật người con để từ đó tự nhận ra trách nhiệm, vai trò của người con đối với cha mẹ của mình. Hơn thế nữa đó là từ tình cảm gia đình vươn xa hơn thành tình cảm bao la dành cho quê hương, cho dân tộc mình.
II. Bài tham khảo
Tình cảm giữa con người vốn đã quý, tình cảm giữa những người thân trong gia đình còn quý hơn, vì vậy mà tình cảm đó đi vào thơ ca một cách vô cùng tự nhiên. Tình cảm mà cha, mẹ dành cho con, tình cảm hiếu thảo mà con cái thấu hiểu từ cha mẹ, cũng như tình cảm trong tác phẩm “Nói với con” của Y Phương. Tác phẩm là lời dạy dỗ, là tình cảm mà cha gửi gắm tới người con, một thứ tình cảm thiêng liêng và nồng ấm.
Ai sinh ra mà chẳng có cha có mẹ, và hạnh phúc hơn cả đó là được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ trong suốt quãng thời gian trưởng thành, như người con trong tác phẩm là một ví dụ điển hình.
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười
Câu thơ mở ra trước mắt người đọc là hình ảnh một cậu nhóc đang tập bước đi những bước đầu tiên trong cuộc đời của mình dưới sự dìu dắt của cha mẹ, một hình ảnh thật đẹp chứa đựng tình cảm rất khó diễn tả, một tình cảm xuất phát từ đáy lòng, từ tận sâu bên trong những người làm cha làm mẹ, những bước đi cũng là những bước đánh dấu cho sự trưởng thành, lớn khôn của con hàng ngày. Chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ thấy sự ấm áp, nhẹ nhàng, đong đầy yêu thương trong từng câu chữ, chính tình cảm vốn quý đó đã tạo nên nét đẹp cho từng vần thơ. Rồi từ những tình cảm nhỏ bé đó tác giả đã đưa người đọc tới những tình cảm lớn lao hơn, to lớn hơn qua sự dạy dỗ của cha về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu với “Người đồng mình”
Người đồng mình thương lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ nhớ mãi về ngày cười
Ngày đầu tiên đẹp nhất trong đời
Những con người xung quanh mà cha dạy con chính là “Người đồng mình”, là những con người chung vách, tắt lửa tối đèn có nhau, những con người chân chất, thật thà, cần cù lao động. Cuộc sống lao động đó đã gắn kết những con người lại với nhau, tình cảm từ đó mà được gây dựng nên, hình ảnh về công việc “Đan lờ” hay những mái nhà nhỏ bé được xây dựng nên một phần từ những câu hát, và hơn thế nữa là những con đường quen thuộc đã đưa con người xích lại gần nhau hơn. Rừng núi quê hương thơ mộng trữ tình là vậy đó, chẳng cần cao sang, chẳng cần quá hoa mĩ, chỉ mộc mạc, giản dị như thế những là tuổi thơ sau này của con, là những thứ sẽ cùng con lớn lên, để rồi khi nhớ lại con sẽ biết nhớ nhung, trân trọng, cuối cùng đó là kí ức về ngày cưới của cha mẹ, cái ngày đẹp nhất cũng là cái ngày mà cha mẹ biết yêu thương nhau hơn. Và trên quãng đường của con sau này xen lẫn những niềm vui, kỉ niệm sẽ là những khó khăn, thử thách, chông gai, người cha dạy con sự nỗ lực để vượt qua những gian nan, thử thách đó.
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người cha mong con chân chất, thật thà, thẳng thắn, biết cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc đời của chính con, có cha mẹ là chỗ dựa vững chắc, là động lực cho con bước tiếp, cũng là niềm tin để con không gục ngã, biết cách đứng dậy khi vấp ngã, phải tin tưởng vào bản thân mình. Người cha đã dạy con bằng tình cảm từ sâu tận trái tim của mình, điều mà cha sẽ tự hào về con đó là sức sống mãnh liệt, bền bỉ với cuộc sống của chính mình.
Người cha trong tác phẩm cũng như biết bao người cha khác trong cuộc sống này, dành một tình cảm đặc biệt để nuôi dưỡng, giáo dục sao cho con nên người, đi đúng với chuẩn mực đạo đức của xã hội, là người tạo tiền đề cho con mình sau này sẽ góp phần nhỏ bé nào đó giúp đất nước giàu mạnh hơn.
Qua tác phẩm cho người đọc thấy được bản thân mình trong chính nhân vật người con để từ đó tự nhận ra trách nhiệm, vai trò của người con đối với cha mẹ của mình. Hơn thế nữa đó là từ tình cảm gia đình vươn xa hơn thành tình cảm bao la dành cho quê hương, cho dân tộc mình.
Theo Nhungbaivanhay.vn