Nghị luận xã hội về câu nói: Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết – Văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về câu nói: Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết – Bài số 1
a. Mở bài
– Về nội dung trực tiếp: khẳng định hai hành động “phê phán thái độ thờ ở, ghẻ lạnh” và “ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết” điều quan trọng và cần thiết như nhau.
– Về thực chất: đề cao lối sống nhân ái và phê phán lối sống ích kỉ.
b. Thân bài.
– Đây là một ý kiến hết sức sâu sắc và đúng đắn.
+ Nhiều khi người ta chỉ nghĩ đến việc ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết mà ít chú ý phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người.
+ Hai vấn đề ấy thực ra là hai mặt của một vấn đề: chúng liên quan rất chặt chẽ với nhau, quan trọng và cần thiết như nhau.
– Lòng vị tha và tình đoàn kết là gì?
+ “Vị tha” là biết sống vì người khác. “Đoàn kết” là hòa nhập vào cộng đồng chung quanh, cùng hành động vì mục tiêu chung. Lòng vị tha và tình đoàn kết là biểu hiện của lối sống có trách nhiệm và đầy lòng nhân ái.
+ “Thờ ơ”, “ghẻ lạnh” đối với con người là sự dửng dung trước nỗi đau của đồng loại, là thái độ lạnh lùng, không quan tâm đến những vấn đề chung của xã hội con người. Đây là biểu hiện của lối sống ích kỉ, vô trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
– Tại sao phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết?
+ Con người và xã hội có mối quan hệ gắn bó hết sức chặt chẽ. Con người không sống đơn lẻ mà bao giờ cũng là thành viên của xã hội, của cộng đồng. Xã hội tạo điều kiện sống cho con người; con người góp phần xây dựng xã hội.
+ Một xã hội văn minh là một xã hội trong đó con người có được một cuộc sống tốt đẹp, mọi thành viên biết quan tâm lẫn nhau, biết chia sẻ nhau khi cần thiết và khi cần, biết vươn lên những mâu thuẫn cá nhân để chung tay góp sức vì một mục đích lớn lao nào đó. Nếu lối sống vị tha và đoàn kết góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm cho con người sống có “chất người” hơn, thì ngược lại, sự thờ ơ, ghẻ lạnh là lối sống đi ngược lại với xu thế tiến bộ, rút ngắn khoảng cách giữa con người với các sinh vật.
– Lòng vị tha và tinh thần đoàn kết biểu hiện những hành động nhân ái trong đời sống: những tấm gương quên mình để cứu giúp người khác, những hoạt động từ thiện – xã hội, những phong trào quyên góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt…
– Sự thờ ơ, ghẻ lạnh trong đời sống không chỉ là thái độ dửng dung trước nỗi đau của những số phận bất hạnh cụ thể, mà còn là sự “bưng tai nhắm mắt” cố tình không biết đến những vấn đề nhân loại đang quan tâm (môi trường, sức khỏe, hòa bình…).
c. Kết bài
Bài học nhận thức và hành động:
– Phê phán sự thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người và ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết là những hành động cần thiết, có ý nghĩa đề cao cái thiện và phê phán cái ác.
– Cần trau dồi lối sống vị tha và tình đoàn kết kể cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Nghị luận xã hội về câu nói: Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết – Bài số 2
Trong việc phê phán những thói hư tật xấu, những tư tường lạc hậu để xây dựng con người mới, nếp sống văn hóa mới, nhiều người thường nhắc đến câu nói sau đây: “Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”
Trước hết, phải hiểu đúng nghĩa các từ ngữ: thờ ơ, ghẻ lạnh, lòng vị tha, tình đoàn kết.
Cuốn Từ điển tiếng Việt in năm 2008, Hoàng Phê chủ biên đã giải nghĩa như sau:
Thờ ơ: tỏ ra lạnh nhạt, không hề quan tâm, để ý tới, không hề có chút tình cảm gì.
Ghẻ lạnh: tỏ ra lạnh nhạt đối với người lẽ ra là thân thiết, gần gũi.
Vị tha: có tinh thần chăm lo đến lợi ích của người khác mà hi sinh lợi ích của cá nhân mình.
Đoàn kết: kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung.
Qua đó, ta hiểu thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh là tính xấu; người sống thờ ơ, ghẻ lạnh là người không tốt, là kẻ vô cảm, vô tình với đồng loại. Lòng vị tha, tình đoàn kết là tính tốt; người giàu lòng vị tha và có tình đoàn kết là người tốt.
Câu nói trên đây chỉ ra mối quan hệ và tầm quan trọng giữa việc phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người và sự ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết.
Con người có nhân hậu, sống trong tình người mới có lòng vị tha, tình đoàn kết, mới biết “thương người như thể thương thân”. Nhân dân ta giàu lòng vị tha và tình đoàn kết nên tâm hồn Việt Nam rất đẹp, sức mạnh Việt Nam vô địch, có thể chiến thắng thiên tai, địch họa, đánh đuổi thù trong, giặc ngoài. Chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mĩ là nhờ tinh thần đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân ta. Xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, cứu giúp đồng bào vùng bị lũ lụt bão tố, quan tâm săn sóc các em nhỏ mồ côi, những học sinh nghèo… làm tất được các việc đó là do sức mạnh của lòng vị tha, tình đoàn kết của đồng bào, chiến sĩ, của hơn hai triệu Việt kiều đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài. Chính vì có lòng vị tha, tình đoàn kết mà nhân dân ta hiểu một cách sâu sắc: chia rẽ là chết; thờ ơ, ghẻ lạnh với bà con, với đồng loại là vô tình, vô tâm, bạc bẽo, nhẫn tâm.
Trong công cuộc xây dựng con người mới, nếp sống mới, việc ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt đối với con người.
Sống giữa người thân, sống giữa tập thể, giữa cộng đồng mà thờ ơ, ghẻ lạnh đối với mọi người thì kẻ ấy thật đáng chê. Chỉ biết bản thân mình, chẳng hề quan tâm đến ai. Một tiếng kêu rên của người bất hạnh, giọt nước mắt của người khốn khổ cơ hàn, đối với họ cũng chẳng quan tâm. Vì kẻ sống thờ ơ, ghẻ lạnh, trái tim đã bị đóng băng, tâm hồn đã bị khô héo, sống không chút tình người. Đáng thương hại thay, những kẻ thờ ơ, ghẻ lạnh là những Bê-li-cốp, loại “Người trong bao" mà nhà vãn Nga Sê-khốp đã nói đến. Các câu tục ngữ: “Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, “Đèn nhà ai rạng nhà ấy’’ đã nói lên bản chất loại người có thái độ thờ ơ, ghè lạnh đối với mọi người. Loại người này đã tự tách rời với mọi người xung quanh, sống cô đơn, khép kín, mũ ni che tai!
Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lanh đối với con người là để xây dựng tính tập thể, tính cộng đồng, lòng vị tha. tính đoàn kết; là để làm cho con người gần gũi người hơn; là để xây dựng tình tương thân tương ái, là để xây dựng con người mới, xã hội mới, nếp văn hóa mới. Có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong tình thương; tình thương của gia đình, của bạn bè, của đồng bào, đồng chí.
Tuổi trẻ bước vào đời sẽ tìm thấy sức mạnh và hạnh phúc trong tình nhân ái, lòng vị tha, tình đoàn kết của cộng đồng. Hơn bao giờ hết, ta càng thấm thìa ý kiến: “Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”
Nghị luận xã hội về câu nói: Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết – Bài số 3
“Bạn có cười với ai đó hôm nay chưa?".
Đó là câu trả lời của một nhà tâm lí học, khi nhiều người hỏi ông rằng: “Làm thế nào để tâm hồn bớt chai sạn trong thế giới hiện nay?”.
Lí do nhà tâm lí học đó hỏi ngược lại những người khác để chúng ta đoán được. Đó không chỉ là một câu hỏi mà đó là cả một lời khuyên.
Mọi sự vật, sự việc đều có hai mặt của nó. Hai mặt, đó hoàn toàn đối lập với nhau nhưng lại cùng tồn tại song song với nhau, không thể tách rời. Bởi thế “Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cân thiết như ngợi ca tình yêu thương, lòng vị tha, sự đoàn kết”.
Kinh tế ngày càng phát triển, khoa học kĩ thuật ngày càng nâng cao, cuộc sống con người cũng trở nên hiện đại và tiện nghi hơn. Thế nhưng, song song với điều đó, khi giá trị của vật chất tăng lên cũng là lúc con người mất dần giá trị tinh thần. Nhịp điệu nhanh, gấp của cuộc sống khiến con người quên cả những gì bản thân mình thật sự cần, họ chỉ mải mê chạy theo miếng cơm manh áo. Phải vậy thôi, để tồn tại. Và việc đó đồng nghĩa với việc ít quan tâm đến những mốì quan hệ xã hội hoặc thậm chí là những quan hệ trong gia đình. Họ dần nhận ra tâm hồn họ bắt đầu trở nên chai sạn nặng nề hơn, họ trở nên thờ ơ, ghẻ lạnh với mọi người xung quanh. Đó chính là tình huống mà tất nhiên rất nhiều con người trong thế giới hiện đại, mà đặc là ở biệt phương Tây gặp phải.
Họ bị mắc một căn bệnh, một căn bệnh không dễ gì phát hiện, và khi đã phát hiện được thì không thể dễ dàng chữa khỏi, đó là bệnh "vô cảm", hay nói cách khác, là thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh trước nỗi đau của người khác. Ở mức độ nhẹ chỉ lạnh lùng, ngại giao tiếp thân mật với người khác. Ở mức độ nặng hơn thì có thể thấy người khác gặp nạn mà không giúp đỡ, xem như là chuyện thiên hạ, không phải là chuyện của mình.
Một nhà văn Châu Á được mời sang Mĩ dự hội thảo văn chương, anh đã rất ngạc nhiên khi mọi người rất lạnh lùng, quá sòng phẳng. Anh kể lại rằng khi vào thang máy, anh hỏi một người phụ nữ đi cùng muốn lên tầng nào để anh nhấn phím giúp, vậy mà cô ta nhìn anh như nhìn quái vật "Có lẽ ờ Mĩ người ta thích làm mọi việc không cần tới sự giúp đỡ của người khác thì hơn", anh chua chát kết luận.
Trong cuộc sống hằng ngày, thật không khó để chúng ta phát hiện ra những ai đang bị bệnh "vô cảm".
Một phụ nữ đang mang thai lên xe buýt, xe đã hết chỗ, chị phải đứng mười lăm phút cho đến trạm dừng mà không ai nhường ghế cho chị.
Một bà cụ gánh hàng qua đường, bị một tay phóng nhanh quẹt phải, gánh hàng đổ hết, vậy mà không có ai giúp bà đứng lên, đừng nói có ai dọn gánh hàng giúp bà.
Phải chăng bây giờ, chính người Việt Nam ta lại đi ngược lại với truyền thông "Thương người như thể thương thân" của ông cha ta ngày xưa?
Câu trả lời có thể là “Đúng vậy”, nếu chúng ta không lên án, phê phán lối chai sạn, thờ ơ như thế. Việc này cũng quan trọng và cần thiết như việc ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết.
Lòng vị tha, tình đoàn kết, hay lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khác khi gặp khó khăn chính là một trong những truyền thông quý báu đáng tự hào nhất của người Việt Nam.
“Lá lành đùm lá rách". Mỗi khi có thiên tai, bão lũ, đồng bào ta tích cực vận động, quyên góp giúp đỡ người bị nạn.
Người Việt Nam ta lại nổi tiếng thân thiện, và nụ cười Việt chính là một trong những đặc trưng khiến cho du khách nước ngoài cảm thấy gần gũi, thân thuộc với đất nước chúng ta.
Thế nhưng, nêu không ngăn chặn những lối sống thờ ơ, ghẻ lạnh đang ngày càng phổ biến và duy trì những truyền thống tương thân tương ái thì những giá trị tinh thần sẽ dễ dàng bị những giá trị vật chất (tầm thường) lấn át.
Cuộc sống cũng có hai mặt.
Chúng ta không chỉ nên ca ngợi cái đẹp mà không phê phán cái xấu. Bởi vì cái đẹp và cái xấu luôn luôn tồn tại song song với nhau, đối lập nhau, và có khi cái xấu có thể lấn át cái đẹp. Do đó, lối sống thờ ơ, ghẻ lạnh cần phải bị phê phán thì mới có thể mở đường cho những giá trị tốt đẹp khác lên ngôi.
Cái nhìn một chiều luôn là cái nhìn hạn chế. Bên cạnh việc thấy cái tốt, ta cũng phải thấy cả cái xấu thì mới có thể tránh xa được cái xấu và phấn đấu cho cái tốt.
Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh và ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết giúp cuộc sống con người thêm tốt đẹp, xã hội thêm phát triển, thế giới tràn ngập yêu thương, bớt đi những áp lực, nỗi đau do chính con người gây ra cho nhau.
Tuy nhiên, không chỉ phê phán hay ca ngợi mà cuộc sống con người có thể tốt đẹp nên một sớm một chiều. Thành công đòi hỏi ở cả hai mặt: lời nói và hành Chúng ta còn phải hành động! Hành động để làm cho cuộc sống thêm tình thương, bớt đi sự thờ ơ.
Xu hướng của xã hội phương Tây ngày nay, sau khi đã đạt được những tựu về kinh tế là bớt coi trọng vật chất, trở về những giá trị tinh thần, dễ dàng kiểm chứng qua sự thành công vang dội của bộ sách nổi tiếng “Quà tặng của cuộc sống”. Chỉ là những câu chuyện, những bài học nhỏ trong cuộc nhưng lại có những giá trị tinh thần to lớn. Và chính những người phương Tây bắt đầu nhận ra rằng chính mình đã quá thờ ơ với cuộc sống xung quanh ấy lại muốn hành động, từ những quyển sách đó để rút ra những việc cần thiết để tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn. Chẳng nhẽ với xã hội phương Đông chúng ta – nơi mà giá trị tinh thần được vun đắp và duy trì mấy ngàn năm – lại không thể thực hiện được điều đó.
Chúng ta làm được.
Tôi tin điều đó.
Tôi tin. Bởi tôi còn thấy một em bé dắt một bà cụ qua đường. Bời khi tôi bị ngã xe đạp vẫn có những người bạn tốt bụng chạy đến đỡ tôi dậy và chở tôi về nhà. Bởi tôi vẫn nhận ra sự tích cực của các bạn trong lớp tôi khi thực hiện phong trào "Quỹ heo đất tấm lòng vàng" do Đoàn trường phát động.
Và có cả những điều nhỏ hơn để chúng ta bắt đầu từ đó làm cho những mối quan hệ quanh ta trở nên tốt đẹp. Hãy mở lòng mình ra! Hãy đón nhận tình cảm và cho đi tình thương! Hãy thân thiện với những ai chưa đủ can đảm để mở lòng mình! Hãy nở một nụ cười với ai đó hôm nay!
Cách tốt nhất làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp là tự mình vun trồng những mối quan hệ.
Bạn có cười với ai đó hôm nay chưa?
Nghị luận xã hội về câu nói: Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết – Bài số 4
Từ muôn đời nay, cha ông ta đã từng khuyên răn con cháu:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng
Và:
Thương người như thể thương thân.
Tất cả những lòi khuyên ấy đều hướng đến một mục đích là giáo dục lòng vị tha, tình đoàn kết và tinh thần trách nhiệm đối với với cộng đồng. Song cuộc đời bao giờ cũng có hai mặt, mặt trái và mặt phải luôn cùng song song tồn tại. Bên cạnh những con người luôn biết yêu thương người khác, luôn biết sống vì mọi người vẫn còn không ít những kẻ sống vị kỷ, chỉ biết mình mà không biết đến lợi ích của cộng đồng. Chính vì lẽ đó mà “Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”.
Sách Luận ngữ có câu “Ký sớ bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn đừng làm cho người khác). Câu nói này đã đề cập đến một phương diện vô cùng quan trọng trong cách đối nhân xử thế. Đó là một quan niệm tích cực trong việc giải quyết mối quan hệ “Tôi và chúng ta”. Xã hội chỉ thực sự tiến bộ khi mọi người biết điều hòa một cách hợp lí mối quan hệ cộng đồng này.
Lòng vị tha, tinh thần đoàn kết được thể hiện qua việc mỗi người biết sống vì mọi người. Vị tha là “vì người khác”, là biết chia sẻ, cảm thông và thương yêu con người bằng một tình cảm chân thành. Lòng vị tha giúp con người vượt lên trên mọi thù hận, mọi ganh ghét các nhân để cùng sống vì lợi ích chung. Vượt lên trên những tính toán vị kỷ, con người sẽ sống cao thượng hơn, sẽ thanh thản hơn. Khi ai đó mắc lỗi với mình, người có lòng vị tha là người biết giúp người có lỗi nhận ra lỗi lầm của mình, để rồi vượt lên chính mình mà trở thành người tốt. Con người vị tha là con người có khả năng vượt lên trên mọi điều tính toán nhỏ nhoi, để sống nhân hậu hơn. Từ lòng vị tha, biết sống vì mọi người của mỗi người sẽ tạo nên một cộng đồng đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Một cây làm chẳng lên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống chọi với thiên tai, địch họa của nhân dân ta là những minh chứng hùng hồn và thuyết phục nhất cho chân lí này. Một dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã chiến thắng bao lượt kẻ thù mạnh hơn gấp bội, đó là nhờ tinh thần đoàn kết của mọi lớp người trong xã hội. Xưa nhà Trần chiến thắng quân Nguyên cũng một phần nhờ lòng vị tha và tinh thần đoàn kết ấy. Hai vị tướng giỏi là Trần Quang Khải và Trần Quốc Tuấn, đã đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, quên thù riêng mà một lòng đánh giặc. Người Việt Nam vốn rất trân trọng và luôn nêu cao lòng vị tha của mình. Hai bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của dân tộc Việt Nam (Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyến ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh) đã nêu cao tinh thần ấy. Đối với kẻ thù vốn mở đường “hiếu sinh”.
Trong xã hội hiện đại với nhịp sống xoay vần đến chóng mặt này, nhiều khi, sự ích kỷ cá nhân đã lấn át lòng vị tha. Con người nhiều khi chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Đề cao cái tôi mà quên đi cái chúng ta nên con người đã trở thành vị kỷ. Và từ đó mà họ trở thành vô tâm, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Họ không còn biết xót xa trước số phận chìm nổi lênh đênh của nàng Kiều, họ vô tình đến nhẫn tâm đối với những người khốn khổ xung quanh mình. Chúng ta đã gặp không ít trên đường phố ngày nay những cảnh mua bán chụp giật, những thái độ độc ác đối với trẻ em lang thang và những người kém may mắn. Trước nỗi đau của người xung quanh, người ta vẫn thản nhiên như không. Tâm hồn con người ngày càng chai sạn và trong họ không còn lòng trắc ẩn. Đã vắng dần những niềm cảm thông, những sự san sẻ. Thái độ thờ ơ lạnh nhạt đối với cuộc sống xung quanh, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, vô trách nhiệm với cộng đồng sẽ dẫn con người đến sự vô tâm và tàn nhẫn. Vì mình, con người có thể giẫm đạp lên kẻ khác và đạo đức xã hội sẽ dần bị băng hoại. Vì vậy, thiết nghĩ cần phải biết phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt đối với người xung quanh một cách mạnh mẽ không kém gì việc chúng ta đã rất nhiệt tình ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết. Trong truyện ngắn Đôi mắt, nhà văn Nam Cao đã thể hiện rất sinh động mối quan hệ này. Ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của nhà văn Độ, đồng thời với việc phê phán sự vô tình, nhẫn tâm và vô trách nhiệm của vợ chồng nhà văn Hoàng. Vì thiếu lòng vị tha và sự cảm thông mà vợ chồng Hoàng không thấy được những ưu điểm đáng quý của người nông dân. Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và lòng vị tha, tình đoàn kết là hai mặt trái ngược nhau của vấn đề đạo đức xã hội và đều cần quan tâm. Phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt và ngợi ca lòng vị tha tinh thần đoàn kết đều cần thiết và quan trọng như nhau. Ngợi ca những điều tốt đẹp của cuộc sống để giúp con người hướng thiện nhưng cần phải thấy rõ và vạch trần những mặt tiêu cực của xã hội để con người soi mình vào đó mà thấy mình và sửa mình.
Trong nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng cần tránh thái độ ngợi ca một chiều. Nhất là trong thời đại này, khi mà nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đang làm xã hội thay đổi rất mạnh mẽ. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế xã hội nhiều khi kéo theo những mặt tiêu cực về đạo đức. Quan hệ trả tiền ngay lạnh lùng của xã hội công nghiệp làm con người khô cằn hơn, đời sống tinh thần nghèo nàn hơn. Và hơn ai hết, thế hệ trẻ là những người nhạy cảm nhất, họ dễ dàng nhập cuộc song cũng dễ dàng trở thành những cỗ máy. Bên cạnh những thanh niên hăm hở nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội như hoạt động từ thiện, chiến dịch “mùa hè xanh” còn không ít những thanh niên chỉ lo hưởng thụ, thờ ơ, lạnh nhạt với cả gia đình và người thân. Hàng ngày, hàng giờ các phương tiện thông tin đại chúng vẫn không ngừng nêu cao tinh thần mình vì mọi người của nhiều người và cũng không thiếu vắng những câu chuyện, những bài học đắt giá về những kẻ chỉ lo hưởng thụ, chỉ quan tâm duy nhất đến cái Tôi của mình. Xã hội đã và đang không ngừng lên án những kẻ ích kỷ, vô trách nhiệm với cộng đồng và ngợi ca những con người có tấm lòng cao thượng, biết sông vì cộng đồng, điều hòa tốt nhất môi quan hệ giữa tôi và chúng ta.
Chúng ta dã rất quen thuộc với lời bài ca của thanh niên ngày nay “Đừng hỏi TỔ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” là chân lí đúng đắn của muôn đời. Mong muốn của cụ Tổ Như xưa:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
thiết nghĩ cũng là mong muốn của muôn đời về một xã hội mà ở đó con người và con người biết cảm thông và thương yêu nhau bằng những tình cảm nhân bản nhất.
Vũ Hường tổng hợp