Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử


Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử

Hướng dẫn

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử

Bài làm

Nhắc đến nhà thơ Hàn Mặc Tử là không thể không nhắc đến bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, cũng giống như nhắc đến một làng quê nhỏ của xứ Huế mộng mơ này là người đọc lại nhớ đến nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tác phẩm đã cho người đọc thêm hiểu biết về những miệt vườn xứ Huế, thấy được bức tranh thơ mộng cùng tình cảm con người nơi đây.

Thôn Vĩ Dạ hiện lên qua các vần thơ của Hàn Mặc Tử đầy màu sắc, tươi mới và trẻ trung. Điều đó được khắc họa tập trung trong 2 khổ thơ đầu. Nhà thơ đã sử dụng hàng loạt những hình ảnh thiên nhiên phong phú: hàng cau, vườn, nắng, lá trúc. Sự kết hợp giữa màu sắc rực rỡ, tươi tốt: nắng, xanh ngọc, mướt với những chuyển động nhẹ nhàng: nắng lên, hoa lay, thuyền đậu… sự kết hợp ấy đã khiến cho hình ảnh thiên nhiên có sức sống và đầy quyến rũ. Nó giúp người đọc tưởng tượng được ra những miệt vườn của người Huế tốt tươi, màu mỡ và xanh um, đồng thời cũng cho thấy bàn tay khéo léo chăm sóc, vun vén của người trồng. Bức tranh thiên nhiên của Vĩ Dạ là một bức tranh hài hòa vừa có cây cỏ vườn tược, có sông nước lại vừa có thiên nhiên chan hòa, vừa có đâu đó bóng dáng của con người khiến nó thân thuộc và bình dị đối với không chỉ người dân Huế mà còn với cả người dân Việt Nam.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật bé Thu trong tác phẩm Chiếc lược ngà Nguyễn Quang Sáng

Ở khổ thơ thứ hai cảnh vật lại trầm xuống với sông trăng lẻ loi. Nếu như ban ngày cảnh vật rạng rỡ đầy sức sống với các chuyển động theo cấp tăng tiến (lên, mướt, che ngang) thì khi đêm xuống, cảnh vật lại chìm vào tĩnh lặng, khoác lên một vẻ lẻ loi đơn độc. Có thể thấy được điều đó khi gió mây chia lìa hai ngả, nước thì buồn thiu còn con thuyền thì nằm im trên bến đỗ. Con thuyền đơn độc trên dòng sông, và bóng trăng cũng soi mình một cách lặng lẽ. Vĩ Dạ lúc này lại mang vẻ ưu phiền, cô đơn của màn đêm, của người con trai. Cảnh vật luôn đi cùng với tâm trạng con người, sự luân phiên thay đổi sắc thái cảnh vật có lẽ cũng chính là sự chuyển biến trong tâm trạng của chủ thể trữ tình.

Ở khổ thơ cuối cùng, sự vật hiện tượng lại mờ ảo như trong một giấc mơ. Có cả hình ảnh con người xuất hiện cụ thể hơn. Đó là người con gái Huế duyên dáng, dịu dàng mờ ảo trong sương khói.

Cứ mỗi khổ thơ lại xuất hiện một câu hỏi tu từ đồng thời cuối mỗi khổ, Hàn Mặc Tử lại miêu tả thấp thoáng hình bóng của con người, mà hình bóng ấy mỗi lần chỉ thấp thoáng không rõ nét. Nó như phản ánh cái thực tại xa xôi cách trở của nhà thơ, nơi nhà thơ mong muốn nhưng lại không thể trở về. Thực chất nhà thơ Hàn Mặc Tử viết bài thơ này khi ông không hề ở Huế, hay Vĩ Dạ cũng chỉ là trong ký ức của ông mà thôi. Thế nên câu thơ “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh – Ai biết tình ai có đậm đà?” càng cho thấy được tâm trạng nhung nhớ cùng khát khao trở về Vĩ Dạ của tác giả. Đó vừa là một câu hỏi lại vừa như một lời nhắc nhở về tình nghĩa của người con trai dành cho người con gái. Nỗi nhớ của nhà thơ âm ỉ, luôn hiện hữu kể cả là trong giấc mơ. Như vậy, những tình cảm của tác giả hẳn rất mãnh liệt và đầy trăn trở.

Xem thêm:  Cảm nghĩ về bài Qua đèo ngang

Theo dòng cảm xúc, mỗi câu thơ tác giả lại sử dụng những hình ảnh cùng nhịp điệu khác nhau khiến cho người đọc như đang thả mình vào trong từng câu chữ, cùng lắng nghe sự biến chuyển của cảnh vật thiên nhiên xứ Huế, cùng đồng điệu trong nỗi nhớ của chàng trai.

Bài thơ sử dụng nhiều tính từ cùng từ ghép đọc lên như một bản nhạc nhẹ nhàng. Bởi vậy khi tác phẩm này được phổ nhạc, nó đã dễ dàng đi vào lòng người đọc đến thế.

Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ không phải là một bài văn tả cảnh nhưng hiệu quả của nó thì lại hơn cả một bài văn tả cảnh, đây cũng không phải là một bài thơ tình nhưng những tình cảm cảm xúc của nó lại dạt dào thắm thiết hơn cả một bản tình ca. Chính sự tài tình trong bút pháp của nhà thơ đã khiến cho một Vĩ Dạ trở nên sinh động, thơ mộng và cũng đầy tâm trạng và để lại ấn tượng về một xứ Huế nên thơ trong lòng người đọc.

Theo Nhungbaivanhay.vn

Bài viết liên quan