Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin để thấy được những cảm xúc phức tạp của tình yêu đơn phương
Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin để thấy được những cảm xúc phức tạp của tình yêu đơn phương
Hướng dẫn
Phân tích bài thơ Tôi yêu em của Puskin để thấy được những cảm xúc phức tạp và tình yêu trong sáng của nhân vật trữ tình.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu bài thơ: “Tôi yêu em” là bài thơ tình nổi tiếng của Puskin viết về tình yêu đơn phương da diết, nhiều nhớ mong của chính mình.
2. Thân bài
– Tôi yêu em là lời giãi bày chân thành mà đầy mãnh liệt của của chàng trai cùng tình yêu đơn phương dành cho cô gái mình yêu.
– “Tôi yêu em đến nay chừng có thể” là lời tỏ tình song lại thể hiện được sự băn khoăn, không dứt khoát “chừng có thể”, “chưa hẳn đã tàn phai”.
– con tim muốn yêu nhưng lí trí buộc phải dừng lại mang đến sự mâu thuẫn trong chính tâm hồn của nhân vật trữ tình với sự ngập ngừng, không dứt khoát.
– Nhà thơ muốn dừng lại tình yêu đơn phương dành cho cô gái bởi không muốn tình cảm của mình trở thành gánh nặng khiến cho cô gái u sầu, buồn bã.
– Sau những câu thơ dịu dàng, điềm tĩnh ấy lại là tâm hồn dậy sóng với bao cung bậc cảm xúc phức tạp
– Ở bốn câu thơ sau, tình cảm lại được tuôn trào một cách mạnh mẽ để vượt qua sự điều khiển của lí trí để khẳng định tình yêu cồn cào, mãnh liệt.
– Câu thơ dồn dập với những từ “lúc”, “khi” để diễn tả những cảm xúc phức tạp trào dâng luôn thường trực trong tâm hồn tác giả.
– Mối tình đơn phương da diết, mãnh liệt ấy nhưng lại âm thầm, không hi vọng bởi đó chỉ là thứ tình cảm đơn phương xuất phát từ một phía.
– nhà thơ lặp lại cụm từ “tôi yêu em” như để khẳng định tình yêu chân thành, đằm thắm không gì có thể thay đổi của mình.
– “Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em” lời chúc chân thành xuất phát từ tấm lòng cao thượng và tình yêu sáng trong của Puskin
3. Kết bài
“Tôi yêu em” đã thể hiện đầy cảm động những cung bậc phức tạp của tình yêu đơn phương da diết, vô vọng nhưng cuối cùng sau mọi đau khổ, hờn ghen thứ đọng lại trong cảm nhận của người đọc lại là tình yêu cao thượng của trái tim chân thành, sáng trong.
II. Bài tham khảo
Puskin là nhà thơ vĩ đại được mệnh danh là “mặt trời thi ca” của đất nước Nga. Trong suốt sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình Puskin đặc biệt chú ý đến chủ đề tình yêu – đề tài bất diệt của thi ca. Ông đã tái hiện đầy chân thực những cung bậc cảm xúc đa dạng, đầy xúc động của tình yêu. “Tôi yêu em” là bài thơ tình nổi tiếng của Puskin viết về tình yêu đơn phương da diết, nhiều nhớ mong của chính mình.
Tôi yêu em là lời giãi bày chân thành mà đầy mãnh liệt của của chàng trai cùng tình yêu đơn phương dành cho cô gái mình yêu.
“Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”
Lời thơ với những câu chữ giản dị, gần gũi như lời thủ thỉ tâm sự đã thể hiện đầy da diết mối tình đơn phương khắc khoải của tác giả dành cho người mình yêu thương. “Tôi yêu em đến nay chừng có thể” là lời tỏ tình song lại thể hiện được sự băn khoăn, không dứt khoát “chừng có thể”, “chưa hẳn đã tàn phai”.Tình cảm của nhà thơ rõ ràng, mãnh liệt ấy nhưng dường như nó đang cố bị kìm xuống bởi lí trí, một tình yêu đẹp nhưng lại có trở ngại, con tim muốn yêu nhưng lí trí buộc phải dừng lại mang đến sự mâu thuẫn trong chính tâm hồn của nhân vật trữ tình với sự ngập ngừng, không dứt khoát.
“Nhưng không để em bận lòng hơn nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”
Nếu trong hai câu thơ đầu tiên, nhà thơ khẳng định tình yêu nhưng lại thể hiện sự băn khoăn, giằng xé trong tình cảm và lí trí thì đến những câu thơ sau, nhà thơ đã lí giải nguyên nhân của việc yêu nhưng lí trí buộc phải dừng lại, đó là vì niềm vui, hạnh phúc của cô gái mình yêu. Nhà thơ muốn dừng lại tình yêu đơn phương dành cho cô gái bởi không muốn tình cảm của mình trở thành gánh nặng khiến cho cô gái u sầu, buồn bã. Câu thơ như lời nhắc nhở, tự ý thức về tình yêu của mình và cũng là lời nói bên trong đyà dịu dàng, trân trọng với “em”. Sau những câu thơ dịu dàng, điềm tĩnh ấy lại là tâm hồn dậy sóng với bao cung bậc cảm xúc phức tạp: đó là sự chua xót khi yêu nhưng lại không thể nắm bắt tình yêu, đó là tình cảm cao thượng, tế nhị khi mong muốn người mình yêu hạnh phúc, không bị vướng bận bởi thứ tình cảm đơn phương của mình.
Nếu như trong bốn câu thơ đầu tiên, tình cảm có xu hướng bị lí trí chi phối, cố gắng trấn áp ngọn lửa tình bên trong thì ở bốn câu thơ sau, tình cảm lại được tuôn trào một cách mạnh mẽ để vượt qua sự điều khiển của lí trí để khẳng định tình yêu cồn cào, mãnh liệt.
“Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen”
Câu thơ dồn dập với những từ “lúc”, “khi” để diễn tả những cảm xúc phức tạp trào dâng luôn thường trực trong tâm hồn tác giả. Mối tình đơn phương da diết, mãnh liệt ấy nhưng lại âm thầm, không hi vọng bởi đó chỉ là thứ tình cảm đơn phương xuất phát từ một phía. Và cũng giống như bất kì người đang yeu nào, tác giả cũng có những cảm xúc yêu thương, hờn ghen đối với cô gái mình yêu. Hai câu thơ lời thú nhận chân thành đã gợi mở ra những cảm xúc phức tạp, bộn bề nơi đáy sâu tâm hồn, đó là cái cuộn trào của cảm xúc đằng sau vẻ bình thản, điềm tĩnh bên ngoài.
Vậy là sau mọi cố gắng đè nén cảm xúc bởi lí trí, tình yêu đơn phương không hề mất đi mà càng làm nó trở nên da diết, vì vậy khi bùng cháy cũng mãnh liệt hơn cả. Yêu thường gắn liền với sự ích kỉ, ai cũng mong muốn mình là người duy nhất trong tình yêu. Thế nhưng trái ngược với những ứng xử thông thường, Puskin đã có hành động đầy cao thượng:
“Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”
Một lần nữa nhà thơ lặp lại cụm từ “tôi yêu em” như để khẳng định tình yêu chân thành, đằm thắm không gì có thể thay đổi của mình. Điệp ngữ tôi yêu em trong tiếng Nga với động từ “yêu” được nhà thơ để ở thể chưa hoàn thành như cách khẳng định ngọn lửa tình yêu vẫn mãi cháy, không bao giờ lụi tàn.
Không nhận được sự hồi đáp của cô gái, bản thân thì chìm đắm trong cảm xúc đau khổ, khắc khoải nhưng nhà thơ vẫn hành động đầy nhân văn – cầu chúc cho cô gái mình yêu “cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”. Đó là lời chúc chân thành xuất phát từ tấm lòng cao thượng và tình yêu sáng trong của Puskin, đối với nhà thơ, tình yêu chỉ thực sự trọn vẹn khi xuất phát từ hai phía và trong tình yêu sẽ không có sự ích kỉ, độc chiếm.
“Tôi yêu em” đã thể hiện đầy cảm động những cung bậc phức tạp của tình yêu đơn phương da diết, vô vọng nhưng cuối cùng sau mọi đau khổ, hờn ghen thứ đọng lại trong cảm nhận của người đọc lại là tình yêu cao thượng của trái tim chân thành, sáng trong.
Theo Nhungbaivanhay.vn