Thuyết trình Sắc đẹp-tài năng và tấm lòng hiếu nghĩa của Thúy Kiều-Truyện Kiều Nguyễn Du
Thuyết trình Sắc đẹp-tài năng và tấm lòng hiếu nghĩa của Thúy Kiều-Truyện Kiều Nguyễn Du
Hướng dẫn
- Mở bài:
Nguyễn Du là một bậc đại Nho, tư tưởng luôn gắn liền với triết lí của Nho gia. Bởi thế, khi xây dựng nhân vật Thúy Kiều, ông đã không rời những đặc điểm cần có của một con người mẫu mực mà Nho giáo đã quy định. Ở nhân vật Thúy Kiều là sự kết hợp toàn vẹn giữa sắc đẹp và tài năng, giữa năng lực ưu việt và phẩm chất cao đẹp. Tuy mang tính lý tưởng hóa nhưng nhân vật Thúy Kiều vẫn hết sức chân thực, gần gũi và được người đọc chấp nhận.
- Thân bài:
* Sắc đẹp và tài năng của Thúy Kiều
Thúy Kiều là một người con gái có sắc đẹp toàn bích, vượt lên trên mọi giới hạn, được người đời ngưỡng mộ.
Trước khi Nguyễn Du miêu tả Thúy Kiều, ông đã khắc họa nên chân dung Thúy Vân qua 4 câu thơ sau:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”.
Sau đó tiếp đến, Nguyễn Du đã dành hẳn 12 câu tiếp theo để nói về Tài Sắc của Thúy Kiều. Và trước tiên, ta nói đến Sắc:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Ở đây ta có thể thấy, việc Nguyễn Du dành hẳn 12 câu để nói về Kiều là ông có phần ưu ái Kiều hơn Vân, điều đó cũng thể hiện qua câu:
“ Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Giờ ta thử so sáng giữa Kiều và Vân như thế này:
– Nếu Thúy Vân: “ Hoa cười, ngọc thốt đoan trang”
Thì Thúy Kiều sẽ là “Làn thu thủy, nét xuân sơn”
Ta có thể thấy vẻ đẹp của Vân được so sánh với “hoa cười”, “ ngọc thốt đoan trang” còn vẻ đẹp của Kiều đã được Nguyễn Du so sánh với” Làn thu thủy”- Làn nước mùa thu và” nét xuân sơn” ý nói chân mày Kiều phơn phớt như núi mùa xuân.
Điều đó thể hiện rằng đối với Vân, Nguyễn Du đã dung những sự vật nhẹ nhàng, êm dịu để miêu tả nàng. Còn đối với Kiều, ông đã dung những hình ảnh hung vĩ như núi non hay các cảnh thiên nhiên uy nghi tráng lệ nhưng đượm buồn.
Qua đó NGuyễn Du đã phần nào giúp người đọc tiên đoán trước số phận cũng như cuộc đời của Vân và Kiều về sau. Thúy Vân với “ hoa cười –ngọc thốt” thì nàng có một cuộc sống êm đềm hơn so với Thúy Kiều. Thúy Kiều được Nguyễn Du miêu tả nàng có vẻ đẹp sáng tầm thiên nhiên nhưng đượm buồn, tiên đoán trước một cuộc đời và tương lai Thúy Kiều đầy bấp bênh và phiêu bạt.
Thúy Kiều là một người đa tài, thuần thạo mọi thú tao nhã của người xưa. Ở lĩnh vực nào nàng cũng đạt đến đỉnh cao ngoại hạng.
“ Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai”.
“nghiêng nước nghiêng thành” là biện pháp nói quá. Ý chỉ vẻ đẹp của Thúy Kiều làm cho các thành quách nghiêng ngã.
“ sắc đành đòi một, tài đành họa hai” ý nói tài năng Kiều may ra có người thứ hai sánh ngang. Còn sắc thì thật không ai bằng.
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”.
Kiều là một người thông minh, sáng suốt lại còn đa tài ( Cầm – Kì – Thi – Họa)
“ Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại cành não nhân”.
“Cung, thương” là hai trong số 5 âm về nhạc bộ ( Cung thương giốc trủy vũ). “Hồ cầm” là đàn tì bà, đời vua Hán Vũ Đế có bà Chiêu Quân phải đi cống rợ Hồ, thường hai đánh cái đàn ấy cho nên mới gọi là hồ cầm.
“nên chương” nghĩa là thành nên bài hay.
Tài năng của Kiều quả thật khó có ai sánh bằng. Tuy nàng hát hay, đàn giỏi nhưng các ca khúc của nàng lại là những ca khúc “bạc mệnh”.
Điều này lại một lần nữa tiên đoán trươc số phận trôi nổi, tài hoa nhưng bạc mệnh của Kiều
Thúy Kiều là một người con hiếu nghĩa hiếm có trên đời.
Nội dung truyện Kiều là một chuỗi những đau khổ tận cùng Thúy Kiều gặp phải và chịu đựng suốt mười lăm năm của cuộc đời mình mà khởi nguyên của quãng đời đoạn trường đau đớn ấy là từ lòng hiếu thảo của nàng. Kiều là một người con gái đa tình, đa cảm nhưng không yếu đuối, ít ra là trong phương diện báo hiếu của nàng. Trước cảnh cha và em bị bọn quan lại sai nha đánh đập hành hạ bởi “Làm cho khốc liệt chẳng qua vì tiền” [TK câu 598], trong Kiều đã nghĩ:
“Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao.
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?”
[TK câu 599 –602]
Mối tình sâu nặng với Kim Trọng vừa bắt đầu, lòng còn vấn vương nỗi niềm thương nhớ, nặng lời hẹn biển thề non. Kiều biết bán mình chuộc cha thì ắt phải lỗi hẹn với tình yêu, trọn đời phụ tình với Kim Trọng. Trước cảnh hoạn nạn của gia đình, nàng phải đối trước một sự chọn lựa quá khắc nghiệt giữa chữ Tình và chữ Hiếu để rồi trong khoảnh khắc phải quyết định:
“Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”.
[TK câu 603 – 606]
Thử hình dung một người con gái vừa đến tuổi “cập kê”, đang sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, lại vừa ước hẹn một mối tình đầu nồng nàn tươi đẹp trong niềm tin trao thân gửi phận sau này, bổng dưng phải có một quyết định táo bạo và đau lòng dường ấy, để thấy lòng hiếu của Kiều lớn biết dường nào. Khi đã nói đến hai chữ “bán mình”, hẳn Kiều đã đoán trước được con đường phía trước của cuộc đời nàng sẽ ra sao! Trong tình cảnh bi đát của gia đình, Kiều không còn nghĩ đến thân mình nữa, chỉ mong cứu được cha:
“Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành”.
[TK câu 669 – 670]
Lòng hiếu thảo của Kiều qua hành động bán mình cứu cha không phải là một tình cảm bất chợt, bộc phát trước cảnh tan cửa nát nhà mà là một tình cảm sâu nặng trong trái tim đa cảm của nàng. Hơn thế, lý trí Kiều đã ý thức:
“Hổ sinh ra phận má đào,
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong”.
[TK câu 877- 878]
Thế nên, sau này trên bước đường lưu lạc, chịu bao nỗi đoạn trường suốt mười lăm năm của đời mình, trong Kiều luôn canh cánh nỗi lòng nghĩ về cha mẹ. Khi ở lầu Ngưng Bích của Tú bà, trong cảnh cô độc đầu tiên nơi đất khách quê người, nàng nhớ về cha mẹ trong niềm lo lắng:
“Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc Tử đã vừa người ôm”.
[TK câu 1043 –1046]
Rồi những tháng ngày quằn quại, xót xa ê chề khi phải tiếp khách trong lầu xanh của Tú Bà, “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” [TK câu 1233], cha mẹ vẫn là điểm tựa, là nỗi nhớ thương trong lòng nàng thiếu nữ họ Vương bạc mệnh:
“Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngã bóng dâu tà tà.
Dặm ngàn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình?”
[TK câu 1253 – 1258]
Khi trở thành vợ Từ Hải, Từ Hải ra đi theo tiếng gọi “động lòng bốn phương”; bên song cửa chờ đợi Từ Hải trở về, nàng càng nghĩ về cha mẹ. Kiều thương cha mẹ giờ đã già yếu đi nhiều vì từ ngày cách biệt đến giờ đã mười năm có lẽ:
“Xót thay huyên cỗi thung già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương”.
[TK câu 2237 – 2240]
Như vậy, Thúy Kiều xứng đáng là “một người con hiếu thảo đáng kính, đáng mến…” như lời một nhà Nho xưa nhận xét. Hành động bán mình chuộc cha là điểm đỉnh của lòng hiếu thảo ấy. Ở đây người viết không quá võ đoán để kết luận rằng: Nhà thơ núi Hồng Lĩnh thấm nhuần tinh thần “Hiếu tâm tức Phật tâm” của nhà Phật để xây dựng chữ Hiếu cho nhân vật Thúy Kiều, nhưng tinh thần chữ Hiếu trong đạo Phật đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt Nam, trở thành đạo lý truyền thống cao đẹp trong bản sắc văn hiến việt Nam.
Và đạo lý ấy hiển nhiên có ảnh hưởng, trong chừng mực nào đó, đến những người “cư Nho, mộ Thích” như Nguyễn Du. Điều cần nói là chữ Hiếu trong truyện Kiều, biểu hiện cụ thể ở nàng hiếu nữ họ Vương mang đậm nét giáo lý nhà Phật ở tinh thần Vô ngã vị tha. Ta không tìm thấy quan niệm “lập thân hành đạo, dương danh hậu thế, dĩ hiếu phụ mẫu” của Nho gia mà là sự hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả cho cha mẹ được yên vui, dù sự hy sinh đó là cái giá quá đắt, phải trả bằng cả cuộc đời mình. Thế nên, dù ai có khắt khe trong lễ giáo phong kiến Nho gia, hẳn cũng đồng tình khi Tố Như kết luận:
“Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”
[TK câu 3119 – 3120]
- Kết bài:
Thế nên, có nhà nghiên cứu về truyện Kiều đã viết: “truyện Kiều là truyện của nàng hiếu nữ họ Vương”. Có lẽ thật chính xác và không phải quá lời vậy.
Nguồn: Vietvanhoctro.com