Phân tích giá trị nhân đạo được nhà văn Nam Cao thể hiện thông qua truyện ngắn Chí Phèo
Phân tích giá trị nhân đạo được nhà văn Nam Cao thể hiện thông qua truyện ngắn Chí Phèo
Hướng dẫn
Đề bài: Chí Phèo là truyện ngắn đặc sắc nhất của nền văn học hiện thực khi phơi bày bi kịch tha hóa của người nông dân. Đồng thời qua đó tác giả Nam Cao cũng thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc khi đồng cảm với nỗi khổ con người, trân trọng những giá trị đẹp đẽ bên trong những con người dưới đáy xã hội. Anh chị hãy phân tích giá trị nhân đạo được nhà văn Nam Cao thể hiện thông qua truyện ngắn Chí Phèo.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về tác phẩm: Trong tác phẩm, nhà văn Nam Cao không chỉ phơi bày nỗi khổ của con người, khổ vì đói nghèo, khổ vì tha hóa nhân cách mà còn thể hiện sự đồng cảm, trân trọng với những giá trị “người” bên trong những con người đầy khổ đau, những nạn nhân đáng thương của xã hội ấy.
2. Thân bài
– Giá trị nhân đạo hiểu một cách đơn giản nhất, đó chính là sự cảm thông, đồng cảm trước nỗi đau của con người
– Trong truyện ngắn Chí Phèo, tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nam Cao được thể hiện ở chỗ hướng ngòi bút khám phá đời sống bị đọa đày cả về thể xác và tinh thần của những người lao động lương thiện.
+ Chí Phèo là anh canh điền hiền lành, lương thiện nhưng cuộc sống bất công đã đẩy Chí đến con đường lưu manh hóa.
–> khi ý thức được bi kịch khủng khiếp của cuộc đời mình, khi biết không thể quay lại con đường lương thiện như mình khao khát thì Chí thà lựa chọn cái chết chứ kiên quyết không chịu làm con quỷ dữ nữa.
–> bên trong những con người bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính như Chí Phèo vẫn tồn tại những phần rất người
+ Thị Nở là người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, lại dở hơi, nhà có mả hủi nhưng bên trong diện mạo xù xì, gớm ghiếc ấy lại là tình thương đầy ấm áp, là tấm lòng thiện lương đáng quý.
–> sự quan tâm, thương yêu chân thành của Thị Nở đã cảm hóa và thức tỉnh phần nhân tính còn lại bên trong Chí Phèo.
– tác giả Nam Cao đã cất lên tiếng kêu cứu đầy thảm thiết và phẫn uất khi giá trị của con người bị cái đen tối, bất công của xã hội chà đạp, tha hóa.
– tác giả đặt ra vấn đề nhức nhối: làm thế nào để cứu con người khỏi cái xã hội vùi dập vô nhân tính ấy
– Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nam Cao còn được thể hiện thông qua thái độ đồng cảm, trân trọng đối với giá trị của con người
+ Đó là phần lương thiện bên trong con người Chí Phèo
+ Tình thương yêu đáng trân trọng bên trong Thị Nở.
3. Kết bài
Có thể nói Chí Phèo là truyện ngắn mang giá trị nhân đạo sâu sắc khi hướng đến đồng cảm, trân trọng giá trị bên trong tâm hồn của những con người bất hạnh, nạn nhân của xã hội.
Bài liên quan đến truyện ngắn Chí Phèo:
>>Phân tích bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
>>Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
>>Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao
II. Bài tham khảo
Truyện ngắn Chí Phèo là một trong những kiệt tác của văn học hiện thực khi viết về người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Trong tác phẩm, nhà văn Nam Cao không chỉ phơi bày nỗi khổ của con người, khổ vì đói nghèo, khổ vì tha hóa nhân cách mà còn thể hiện sự đồng cảm, trân trọng với những giá trị “người” bên trong những con người đầy khổ đau, những nạn nhân đáng thương của xã hội ấy. Tinh thần nhân đạo sâu sắc cũng là một trong những giá trị nổi bật làm nên sức sống mạnh mẽ của Chí Phèo trong lòng của mỗi độc giả.
Giá trị nhân đạo hiểu một cách đơn giản nhất, đó chính là sự cảm thông, đồng cảm trước nỗi đau của con người, là sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn của những con người bé nhỏ; giá trị nhân đạo còn thể hiện trong thái độ bênh vực con người, lên án những thế lực bạo tàn đã chà đạp, tước lên quyền tự do, quyền sống của họ.
Trong truyện ngắn Chí Phèo, tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nam Cao được thể hiện ở chỗ hướng ngòi bút khám phá đời sống bị đọa đày cả về thể xác và tinh thần của những người lao động lương thiện. Chí Phèo là anh canh điền hiền lành, lương thiện nhưng cuộc sống bất công đã đẩy Chí đến con đường lưu manh hóa, trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Thế nhưng, tác giả Nam Cao không lên án Chí như một thứ người- vật như bao người dân làng Vũ Đại mà ông đã hướng ngòi bút đến khám phá đến nội tâm sâu thẳm của con quỷ dữ ấy.
Bên ngoài vẻ bất cần, liều lĩnh của kẻ chỉ biết “rạch mặt ăn vạ” lại là bản chất của một người nông dân lương thiện với những khát khao bình dị “chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải”. Và khi ý thức được bi kịch khủng khiếp của cuộc đời mình, khi biết không thể quay lại con đường lương thiện như mình khao khát thì Chí thà lựa chọn cái chết chứ kiên quyết không chịu làm con quỷ dữ nữa.
Thế mới thấy bên trong những con người bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính như Chí Phèo vẫn tồn tại những phần rất người, đó là bản chất lương thiện sáng trong mà hoàn cảnh đen tối của xã hội không thể diệt trừ mà chỉ có thể làm nó bị tê liệt.
Thị Nở là người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, lại dở hơi, nhà có mả hủi nhưng bên trong diện mạo xù xì, gớm ghiếc ấy lại là tình thương đầy ấm áp, là tấm lòng thiện lương đáng quý. Và cùng chính sự quan tâm, thương yêu chân thành của Thị Nở đã cảm hóa và thức tỉnh phần nhân tính còn lại bên trong Chí Phèo. Cũng từ khi gặp được Thị, Chí Phèo đã nhớ về những mơ ước bình dị khi còn trẻ, khát khao được lương thiện và làm hòa với mọi người.
Cũng qua tấn bi kịch tha hóa của Chí Phèo, tác giả Nam Cao đã cất lên tiếng kêu cứu đầy thảm thiết và phẫn uất khi giá trị của con người bị cái đen tối, bất công của xã hội chà đạp, tha hóa. Từ đó tác giả đặt ra vấn đề nhức nhối: làm thế nào để cứu con người khỏi cái xã hội vùi dập vô nhân tính ấy, mang đến cuộc sống chính đáng để con người được sống lương thiện. Cần phải tiêu diệt xã hội bất công không tình người ấy để con người được sống nhân đạo hơn.
Không chỉ phơi bày bi kịch của người lương thiện khi bị chà đạp, tha hóa về nhân hình, nhân tính tác giả Nam Cao còn lên án gay gắt hiện thực xã hội phong kiến bạo tàn đã gây nên bao bi kịch cho con người. Đại diện cho giai cấp thống trị ở đây chính là Bá Kiến, lão cường hào ma mãnh, xảo quyệt của làng Vũ Đại, một tay hắn đã đẩy bao kẻ vào con đường tha hóa, phá nát bao cơ nghiệp của những người dân bất hạnh. Đến cuối tác phẩm, tác giả Nam Cao đã để cho Chí Phèo vung dao lên để giết chết Bá Kiến, thể hiện thái độ phẫn uất trước sự tồn tại của cái bạo tàn, xấu xa.
Tuy nhiên, Bá Kiến chết thì vẫn còn Lí Cường, Chí Phèo chết thì cũng sẽ còn bao kẻ lương thiện khác cũng có thể tiếp tục bị đẩy đến con đường lưu manh hóa. Chỉ có thể bảo vệ cuộc sống lương thiện của con người khi xã hội phong kiến bạo tàn, chế độ người bóc lột người bị tiêu diệt.
Tư tưởng nhân đạo của nhà văn Nam Cao còn được thể hiện thông qua thái độ đồng cảm, trân trọng đối với giá trị của con người. Đó là phần lương thiện bên trong con người Chí Phèo, tình thương yêu đáng trân trọng bên trong Thị Nở. Nam Cao đã thể hiện thái độ trân trọng đối với những con người ở đáy sâu tăm tối của xã hội để thấy được ánh sáng tình người bên trong con người họ.
Có thể nói Chí Phèo là truyện ngắn mang giá trị nhân đạo sâu sắc khi hướng đến đồng cảm, trân trọng giá trị bên trong tâm hồn của những con người bất hạnh, nạn nhân của xã hội.
Theo Nhungbaivanhay.vn