Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (bài viết hay)
Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
Bài làm
Giai đoạn văn học 1930 – 1945 – một chặng đường văn học ngắn nhưng hội tụ nhiều cây bút có phong cách. Cùng là các nhà văn hiện thực với nét bút rõ rệt như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… nhưng có lẽ Nam Cao là cây bút để lại nhiều ấn tượng nhất. Bởi, Nam Cao đã cắt nghĩa được nguyên nhân sâu xa của nỗi khổ con người và lên tiếng tố cáo xã hội bằng cái tôi đầy hiện thực và nhân đạo. Truyện ngắn “Chí Phèo” là hiện thân đầy đủ nhất cho nét đặc trưng đó.
Nam Cao được biết đến là nhà văn có tên tuổi hàng đầu trong thời kì văn học hiện thực lãng mạn 1930-1945. Tác phẩm “Chí Phèo” tiêu biểu cho phong cách và tâm hồn Nam Cao. Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao sau nhiều lần đổi tên từ “Cái lò gạch cũ”, “Đôi lứa xứng đôi” và cuối cùng là dừng lại ở cái tên hiện tại. Nhà văn vất vả đi tìm một cái tên xứng đáng hơn để biểu đạt những gì mà mình muốn truyền tải. Tác phẩm nhằm thể hiện cái nhìn sâu sắc về bức tranh hiện thực xã hội và bức tranh lòng người trong bối cảnh trước Cách mạng tháng Tám.
Đầu tiên có thể thấy từ tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao đó là nội dung được khai thác từ bối cảnh nghèo khổ cực của người nông dân vì bị chế độ xã hội đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa, bị tước đoạt quyền cơ bản nhất của con người. Nhân vật Chí Phèo – đại diện cao nhất, là kẻ phải sống trong mâu thuẫn gay gắt và rơi vào tình trạng tha hóa phổ biến trong một xã hội vô nhân đạo. Mỗi lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến là một nấc thang dẫn tới bi kịch ấy. Lần 1, hắn xách vỏ chai đến để ăn vạ. Bá Kiến đọc ngay được lý do. Tuy Chí Phèo vẫn có những ý thức về mối thù bị đẩy vào nhà tù, tước mất nhân hình, bị khinh rẻ nhưng cuối cùng bị sự lọc lõi của Bá Kiến xoa dịu. Chí ra về trong niềm sung sướng của chiến thắng giả tạo sau khi nhận được mấy đồng bạc. Lần 2, hết tiền uống rượu, Chí lại đến nhà Bá Kiến để ăn vạ rồi ra về cùng ý nghĩ “anh hùng làng này có thằng nào bằng hắn”. Từ đó, Chí biến thành tay sai của Bá Kiến. Sau quãng ngày dài vô tận đập phá Chí gặp Thị Nở và khơi dậy được khơi dậy ước mơ làm người lương thiện. Đau đớn thay Chí bị từ chối. Tuyệt vọng, hắn lại đến nhà Bá Kiến lần 3. Hắn gào thét “Tao muốn làm người lương thiện” nhưng ngay lập tức hiểu rằng không còn con đường nào nữa. Kết quả bi đát vô cùng, Chí giết Bá Kiến rồi tự hủy diệt mình. Cái chết ngắc ngoải trong vũng máu, miệng muốn nói mà không thể nói chẳng khác nào tương lai của biết bao nhiêu kiếp đời khác. Chí Phèo trở thành đại diện tiêu biểu của một cố nông bị xã hội đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa và cùng đường nhưng vẫn khát khao cháy bỏng được lương thiện.
Bên cạnh phản ánh hiện thực, tác phẩm còn là bức tranh về lòng người và tình người. Nhà văn phát hiện ra những vẻ đẹp giản dị mà sâu sắc trong lòng con người tưởng như đã là con vật. Chí có xuất thân bất hạnh nhưng lớn lên dưới bàn tay che chở của người dân làng Vũ Đại cũng tốt bụng, có ước mơ, có lòng tự trọng. Bà ba Bà Kiến bắt “bóp chân”, hắn chỉ thấy “nhục chứ sung sướng gì”. Tuy rằng bị biến thành “con quỷ dữ” nhưng sự xuất hiện của Thị Nở đã đánh thức được phần người trong Chí. Sau đêm gặp gỡ Thị Nở, Chí Phèo tỉnh dậy sau cơn say dài, hắn nghe được âm thanh “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, hắn biết sợ, biết lo… Tình yêu Thị Nở của Thị Nở đã đánh thức khát vọng được sống một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Tuy rằng thất bại trên con đường ấy nhưng dẫu sao Nam Cao đã ca ngợi thành công những phẩm chất tốt đẹp của con người trong xã hội cũ.
Truyện ngắn có nhiều đặc sắc nghệ thuật: cốt truyện độc đáo, xây dựng hình tượng nhân vật sáng tạo thông qua việc Nam Cao để cho Chí Phèo xuất hiện bắt đầu từ tiếng chửi; có một chất giọng lạnh lùng nhưng ẩn chứa tấm lòng nhân ái; nghệ thuật miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật tài tình… Tóm lại, qua “Chí Phèo”, Nam Cao đã ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người nông dân cũng như lên tiếng tố cáo bộ mặt xã hội. Chất hiện thực và nhân đạo từ tác phẩm của Nam Cao đã chứng minh cho tâm hồn cao đẹp của chính là nhà văn.