Phân tích tình huống bất thường trong truyện Vợ nhặt để thấy được khát vọng bình thường mà chính đáng của con người
Phân tích tình huống bất thường trong truyện Vợ nhặt để thấy được khát vọng bình thường mà chính đáng của con người
Hướng dẫn
Có ý kiến cho rằng “ Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”. Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
I. Dàn ý chi tiết cho đề phân tích tình huống truyện Vợ nhặt
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm: Nhận xét về giá trị của “Vợ nhặt”, có ý kiến cho rằng: “Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”.
2. Thân bài
– Thông qua tình huống bất thường, Kim Lân đã làm nổi bật lên những giá trị nhân bản sâu sắc khi hướng đến những khát vọng bình thường nhưng chính đáng của con người.
+ Tràng là một người đàn ông nghèo xấu xí, ngờ nghệch, sống tại xóm ngụ cư.
–> Với hoàn cảnh hiện tại, có thể nói Tràng khó có thể lấy được vợ ngay trong hoàn cảnh thường.
+ Trước sự bất ngờ của tất cả người dân xóm Ngụ cư, trong sự ngỡ ngàng của bà cụ Tứ và của chính bản thân Tràng, người đàn ông xấu xí ấy lại vô tình “nhặt” được vợ.
+ Tình huống nhặt vợ ở đây là một tình huống bất thường: khi nạn đói bùng nổ, bao trùm toàn bộ không gian thì Tràng lại lấy vợ, nghĩa là người đàn ông ấy đặt nhu cầu hạnh phúc, lên trên nhu cầu về sự sống.
+ Tràng bỗng nhiên có vợ đã khiến cho người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, cảm thấy lạ lùng, thích thú không biết nên buồn hay nên vui
– Người vợ nhặt chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ về làm vợ để trốn tránh cái đói, ám ảnh của cái chết. Tuy nhiên, không chỉ có khát vọng được sống mà ở người đàn bà ấy còn có khát khao hạnh phúc.
– Anh Tràng người đàn ông nghèo khổ, xấu xí ngờ nghệch nhưng lại là người giàu tình thương và có khát vọng hạnh phúc, mong muốn có một mái ấm nhỏ của riêng mình.
– Trong không gian ám ảnh của nạn đói, những nhân vật trong truyện đều hướng đến tương lai tươi sáng, đặc biệt thể hiện qua những lời nói của bà cụ Tứ.
3. Kết bài
Thông qua một tình huống mang tính bất thường, tác giả Kim Lân đã thể hiện sự trân trọng với những khát khao bình thường mà chính đáng của những con người nghèo khổ. Trong cái đói, cái chết con người vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, những khát vọng chính đáng về hạnh phúc.
II. Bài tham khảo cho đề phân tích tình huống truyện Vợ nhặt
Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất, với trời, với thuần hậu nguyên thủy, bằng vốn am hiểu và tài năng nghệ thuật của mình, Kim Lân đã tái hiện đầy sinh động cuộc sống và số phận những người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến xưa. Vợ nhặt là truyện ngắn kết tinh được tài năng và sự sâu sắc trong tư tưởng của nhà văn Kim Lân. Thông qua việc xây dựng được tình huống truyện mang tính bất thường, nhà văn đã truyền tải được những thông điệp nhân văn sâu sắc về con người, tình người. Nhận xét về giá trị của “Vợ nhặt”, có ý kiến cho rằng: “Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người”.
Nhận định “ Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người” đã khẳng định thành công của nhà văn Kim Lân trong việc gây dựng lên tình huống đặc sắc, có thể nói đây là tình huống bất thường, có một không hai. Tuy nhiên thông qua tình huống ấy, Kim Lân đã làm nổi bật lên những giá trị nhân bản sâu sắc khi hướng đến những khát vọng bình thường nhưng chính đáng của con người.
Tràng là một người đàn ông nghèo xấu xí, ngờ nghệch, sống tại xóm ngụ cư. Với hoàn cảnh hiện tại, có thể nói Tràng khó có thể lấy được vợ ngay trong hoàn cảnh thường, khi nạn đói xảy ra thì việc lấy vợ càng trở nên xa xỉ, tưởng chừng không thể thực hiện được. Thế nhưng, trước sự bất ngờ của tất cả người dân xóm Ngụ cư, trong sự ngỡ ngàng của bà cụ Tứ và của chính bản thân Tràng, người đàn ông xấu xí ấy lại vô tình “nhặt” được vợ khi nạn đói đang hoành hành dữ dội nhất.
Có thể nói, tình huống nhặt vợ ở đây là một tình huống bất thường, bởi trong nạn đói điều mà người ta quan tâm hàng đầu chính là miếng ăn để giành giật lại sự sống. Trong sự ám ảnh dữ dội của nạn đói, việc nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình cũng là một thử thách khắc nghiệt. Vậy mà khi nạn đói bùng nổ, bao trùm toàn bộ không gian thì Tràng lại lấy vợ, nghĩa là người đàn ông ấy đặt nhu cầu hạnh phúc, nhu cầu cao đẹp về tinh thần lên trên nhu cầu về sự sống. Khi nhặt vợ cũng có nghĩa Tràng chấp nhận mang theo gánh nặng gia đình, chấp nhận đánh cược cùng nạn đói để có được hạnh phúc bình dị của riêng mình.
Việc Tràng bỗng nhiên có vợ đã khiến cho người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, cảm thấy lạ lùng, thích thú không biết nên buồn hay nên vui, nên mừng hay nên lo cho cuộc sống, tương lai của anh Tràng. Qua tình huống bất thường “nhặt vợ”, tác giả Kim Lân không chỉ thu hút được sự chú ý mạnh mẽ của độc giả, tạo nên nét đặc sắc riêng biệt cho tác phẩm mà thông qua tình huống ấy nhà văn đã thể hiện sự đồng cảm, trân trọng với những khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.
Người vợ nhặt chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ về làm vợ để trốn tránh cái đói, ám ảnh của cái chết. Tuy nhiên, không chỉ có khát vọng được sống mà ở người đàn bà ấy còn có khát khao hạnh phúc, bởi nếu chỉ theo Tràng vì miếng ăn thì khi thấy gia cảnh nghèo khó của mẹ con Tràng có lẽ rằng người đàn bà ấy đã mắng vào mặt Tràng và bỏ đi. Anh Tràng người đàn ông nghèo khổ, xấu xí ngờ nghệch nhưng lại là người giàu tình thương và có khát vọng hạnh phúc, mong muốn có một mái ấm nhỏ của riêng mình. Hành động mua hai hào dầu trong đêm đầu tiên vợ về nhà đã thể hiện sự trân trọng của anh Tràng với người đàn bà cũng như đối với hạnh phúc của mình.
Khi nạn đói đang hoành hành dữ dội, ranh giới của sự sống và cái chết hết sức mong manh, cuộc sống của mẹ con Tràng cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng trong không gian ám ảnh của nạn đói, những nhân vật trong truyện đều hướng đến tương lai tươi sáng, đặc biệt thể hiện qua những lời nói của bà cụ Tứ. Người mẹ ấy luôn động viên các con chăm chỉ làm ăn, hướng các con đến những suy nghĩ tích cực của một tương lai tươi sáng. Việc người vợ nhặt nhắc đến chuyện phá kho thóc Nhật hay hình ảnh lá cờ đỏ xuất hiện trong suy nghĩ của Tràng cũng đã thể hiện được khát khao về tương lai tươi sáng đầy chính đáng này.
Như vậy, thông qua một tình huống mang tính bất thường, tác giả Kim Lân đã thể hiện sự trân trọng với những khát khao bình thường mà chính đáng của những con người nghèo khổ. Trong cái đói, cái chết con người vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, những khát vọng chính đáng về hạnh phúc, về sự sống của họ đã đẩy lùi ám ảnh của nạn đói.
Theo Nhungbaivanhay.vn
Từ khóa tìm kiếm:
- https://nhungbaivanhay vn/phan-tich-tinh-huong-bat-thuong-trong-truyen-vo-nhat-de-thay-duoc-khat-vong-binh-thuong-ma-chinh-dang-cua-con-nguoi html